QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THPT SỐ 2 TUY PHƯỚC
Trường THPT Số 2 Tuy Phước được thành lập năm 1982 theo Quyết định số 977/QĐUB của UBND tỉnh Nghĩa Bình (nay UBND tỉnh Bình Định), nhằm phục vụ học tập cho con em nhân dân bốn xã phía Bắc Tuy Phước (Phước Hưng – Phước Quang – Phước Hòa – Phước Thắng). Khi mới thành lập, Trường được xây dựng trên vùng đất gò hoang, loang lổ nhiều hố bom và không có tường rào cổng ngõ với diện tích ban đầu 1200m2 thuộc thôn Lương Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đường giao thông đến trường không thuận lợi, cách xa thành phố Quy Nhơn gần 30 km. Mùa mưa lũ ngôi trường trơ vơ trên vùng nước mênh mông, trắng xóa. Trường THPT Số 2 Tuy Phước trải qua những giai đoạn hình thành và phát triển như sau:
Giai đoạn 1982 – 1991 (9 năm): là giai đoạn từ khi có quyết định thành lập trường đến khi nhập khối lớp cấp THCS. Giai đoạn củng cố tạo đà cho sự phát triển. Trong thời gian này, trường tồn tại hai loại hình: Công lập và hệ B. Trong đó khối công lập, với số lớp thấp nhất của năm đầu tiên gồm 6 lớp (2 lớp 11 chuyển về từ trường THPT số 1 Tuy Phước và 4 lớp 10 mới tuyển) với số học sinh khoảng 250 học sinh, năm cao nhất cũng chỉ tới 12 lớp với khoảng 500 học sinh. Đội ngũ CB – GV từ 12 đồng chí đến 20 đồng chí, cơ cấu không đều môn. Đại bộ phận GV có quê hương từ miền Bắc, một số bộ môn thiếu GV phải nhờ sự tăng viện của trường THPT Số 1 Tuy Phước. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn: gồm 2 dãy với 10 phòng học nhà cấp 4, một dãy phòng học gồm 2 phòng học nhà cấp 4 dùng làm nhà ở GV và văn phòng, một khu nhà ở cho GV gồm 2 dãy phòng lấy từ kho lúa đội 19 thôn Lương Quang, xã Phước Quang. Sân trường còn nhiều hố bom di chứng của cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm tàn khốc, chưa có tường rào cổng ngõ. Giờ ra chơi, trong sân trường học sinh và động vật trâu, bò còn chen lẫn.Trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học chưa được đầu tư. Trong giai đoạn này, đất nước còn nằm trong thời kỳ bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, gia đình học sinh còn rất khó khăn nên học sinh bỏ học nhiều, việc dạy học nặng theo lối truyền thống. Nhưng với truyền thống cần cù, hiếu học, đội ngũ CB-GV lâu năm giàu kinh nghiệm tạo chất lượng giáo dục trong nhà trường rất đáng tự hào. Có thể nói giai đoạn này là giai đoạn trường khó khăn nhất, có lúc tưởng chừng như nguy cơ giải tán vì số lớp học ít, có nhiều GV bỏ nghề hoặc chuyển đi nơi khác, cán bộ lãnh đạo nhà trường cũng thay đổi liên tục (trong 6 năm có 4 Hiệu trưởng thay thế). Tuy nhiều khó khăn như vậy nhưng đây là giai đoạn lưu dấu đậm sâu trong ký ức, bởi sự ấm áp của tình người, tình đồng nghiệp, tình thầy trò. Tình cảm của nhân dân và PHHS dành cho CB – GV được tôn kính và trìu mến. Chính những điều ấy là nguồn động lực để thầy trò THPT số 2 Tuy Phước chung tay vượt qua những trở ngại, khó khăn vừa học vừa bắt tay xây dựng ngôi trường, hố bom được san lấp, cây xanh bắt đầu phát triển tạo nền cho 30 năm sau tỏa bóng mát cho thế hệ cháu con. Một ngôi trường được xây lên trên niềm mơ ước của người dân Tuy Phước đã thành hiện thực.
Giai đoạn 1991 – 2002 (11 năm): là giai đoạn từ năm 1991 đến khi tách mảng cấp 2 ra khỏi cấp 3. Giai đoạn này xây dựng và phát triển tạo nền chất lượng vững chắc. Những khó khăn của giai đoạn đầu cũng là những khó khăn của giai đoạn sau. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 khu vực phía bắc Tuy Phước mật độ dân cư vẫn còn thưa thớt nên số học sinh đi học không nhiều và đặc biệt là học sinh THPT lại càng ít. Trong những năm đó, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Vừa lo ổn định hoạt động, xây dựng trường lớp, đào tạo giáo viên, sắp xếp đội ngũ, soạn thảo sách giáo khoa cho phù hợp với chương trình mới. Nhà trường vào thời điểm ấy cũng vừa mới trải qua một đợt tinh giảm biên chế, cuộc sống của giáo viên vốn dĩ đã thiếu thốn về nhiều mặt, lại cộng thêm tâm trạng lo âu nên luôn cảm thấy bất ổn. Hoàn cảnh đặc thù như vậy, nhiều lúc tưởng chừng giải thể nhà trường. Để giữ lại sự tồn tại của trường THPT số 2 Tuy Phước, Ban giám hiệu nhà trường đề nghị Sở GD – ĐT Bình Định và UBND huyện Tuy Phước sát nhập một bộ phận cấp 2 của trường THCS Phước Quang vào cấp 3 hình thành loại hình trường cấp 2, 3 ở huyện Tuy Phước. (Đây là một giải pháp tình thế để tồn tại nhà trường, và cũng là xu thế chung của ngành giáo dục thời bấy giờ). Ở giai đoạn này bộ phận cấp 2 có số lớp từ 6 lớp đến 9 lớp năm cao nhất gồm 12 lớp, cộng với các lớp cấp 3 thì trường có tổng số lớp từ 21 lớp đến 40 lớp năm học có số lớp cao nhất là 42 lớp với hơn 2.000 học sinh. Cơ sở vật chất được xây dựng lại khang trang hơn: có 24 phòng học nhà cấp 3, 2 tầng; 1 dãy gồm 5 phòng thí nghiệm thực hành; 1 thư viện đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống nhà làm việc, nhà ở giáo viên, sân bãi tập được củng cố ổn định. Thiết bị dạy học được quan tâm mua sắm. Đội ngũ CB – GV trên 40 người: trẻ, năng động, nhiệt tình, được tiếp tục thực hiện chuẩn hóa và trên chuẩn hóa. Công tác dạy học và quản lý cũng thường xuyên đổi mới về tổ chức, nội dung và phương pháp; việc bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh yếu, kém được quan tâm hơn; nên trong giai đoạn này có rất nhiều học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và xét tốt nghiệp ở cấp THCS cũng tăng lên; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH-CĐ và chất lượng tuyển vào lớp 10 cũng được nâng lên, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân, phụ huynh học sinh và các cấp quản lý. Bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, tiếp tục những thành quả của sự nghiệp Đổi mới, đất nước ta có những bước phát triển đáng phấn khởi về kinh tế, xã hội và văn hóa. Đặc biệt, đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) xác định nhiệm vụ lớn của nước ta trong 5 năm (2001 – 2006) là: thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong sự phát triển chung của đất nước, cuộc sống của nhân dân vùng quê bắc Tuy Phước cũng được cải thiện và nâng cao rõ rệt, đặc biệt trình độ dân trí được nâng cao một bước, nhân dân có nhiều điều kiện hơn để quan tâm đến việc học hành của con em mình. Nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập nâng cao của con em nhân dân và bảo đảm mục tiêu giáo dục trong từng bậc học theo Luật Giáo dục. Vì thế, năm 2002, trường đã đề nghị Sở GD-ĐT Bình Định và UBND huyện Tuy Phước cho phép tách bậc học THCS đưa trở về lại trường THCS Phước Quang. Từ đó, trường THPT số 2 Tuy Phước bước vào một giai đoạn phát triển mới và ổn định chỉ với bậc THPT (với 2 hệ công lập và bán công), số lớp tăng cao, cơ sở vật chất được hoàn thiện, chất lượng dạy và học được nâng cao.
Giai đoạn 2002 – 2007 (5 năm): là giai đoạn 5 năm lần thứ năm phát triển trường THPT số 2 Tuy Phước vững vàng bước đi cùng các trường THPT trong tỉnh. Trong 5 năm (2002 – 2007) , quy mô lớp học mở rộng, từ 33 lớp năm 2002 lên 41 lớp năm 2007. Đội ngũ CB-GV-NV khoảng 60, trong đó có 54 giáo viên (trong biên chế) trực tiếp giảng dạy. Cơ sở vật chất của trường được củng cố và mở rộng với 2 dãy lầu (24 phòng học), 2 dãy phòng thí nghiệm thực hành bộ môn (môn Vật lí, môn Hóa, môn Sinh), 2 dãy phòng cho công tác hành chính và thư viện (Thư viện đạt chuẩn quốc gia), 2 phòng dạy ngoại khóa tin học với 50 máy. Trang thiết bị dạy học được mua sắm khá đầy đủ và hiện đại. Diện tích đất nhà trường được mở rộng lên đến 17.000 m2, hệ thống sân luyện tập TDTT được nâng cao và hoàn thiện. Cảnh quan trường học được quan tâm xây dựng với vườn hoa và cây cảnh dọc các lối đi, một môi trường giáo dục xanh – sạch – đẹp được hoàn thiện, tạo nên một cảm giác thoải mái và thân thiện cho học sinh. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học, nhà trường xác định các biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học là xây dựng đội ngũ, xây dựng các quy chế chặt chẽ về hoạt động chuyên môn và đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Điều kiện thuận lợi là năm 2003, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 40 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục”, Công đoàn ngành GD-ĐT phát động cuộc vận động “Dân chủ – Kỉ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Đặc biệt là năm học 2006-2007, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện chương trình dạy học phân hóa, các trường học bắt đầu thực hiện phân ban trong học sinh (trường THPT số 2 Tuy Phước đã xây dựng đủ 3 ban KHTN, KHXH, Cơ bản ở khối 10), đồng thời phát động cuộc vận động Hai không (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Nhiều cán bộ, giáo viên được cử đi học nâng cao về chính trị, quản lí và chuyên môn. Nhiều giáo viên tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp tỉnh. Quy chế học tập tự bồi dưỡng được đề cao như thao giảng, đăng kí dạy tốt, dự giờ rút kinh nghiệm …. Chất lượng giáo viên được nâng cao rõ rệt với 6 thạc sĩ, 6 GV giỏi cấp tỉnh, 23 GV giỏi cấp trường. Công tác xây dựng đảng cũng được quan tâm đặc biệt, chi bộ chỉ có 10 đảng viên năm 2002 nâng lên là 16 đảng viên năm 2007 (chiểm tỉ lệ 27% số lượng CB-GV-NV toàn trường), nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch – vững mạnh. Bằng sự phấn đấu, nỗ lực của cả một tập thể chi bộ và hội đồng sư phạm.Trong 5 năm, trường THPT số 2 Tuy Phước thật sự trưởng thành về nhiều phương diện. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao : tỉ lệ học sinh lên lớp 95-98%, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 90-95%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng đạt kết quả tự hào: liên tục có học sinh giỏi cấp tỉnh qua các năm học, có những học sinh đạt giải cao được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh dự thi quốc gia(em Nguyễn Hữu Chí, Trần Đình Duy và Thái Văn Phước khóa 2001 – 2004) ; có học sinh đạt giải ba học sinh giỏi cấp quốc gia (em Nguyễn Đình Thạch – môn Sử năm 2006) ; học sinh đỗ vào các trường CĐ-ĐH đạt tỉ lệ cao (30-40%), nhiều em đỗ vào các trường ĐH lớn, có em đạt điểm ĐH rất cao, xếp thứ hai toàn tỉnh (em Thái Văn Phước đạt 29 điểm năm 2004). Nhà trường còn đạt nhiều thành quả về hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao. Trường Tuy Phước 2 là một trong những trường mạnh về bóng chuyền và điền kinh của tỉnh. Có thể nói, chỉ trong vòng 5 năm (2002 – 2007), trường THPT số 2 Tuy Phước đã vươn lên một tầm cao mới, vững vàng sánh ngang với các trường THPT mạnh trong tỉnh, xứng đáng là “đài cao văn hóa” của vùng quê Bắc Tuy Phước, là ngôi trường đã trải qua một bề dày 25 xây dựng và trưởng thành.
Giai đoạn 2007 – 2012 ( 5năm): Giai đoạn 5 năm lần thứ sáu là giai đoạn giữ vững chất lượng chuẩn, tạo điều kiện phát triển vững chắc, tiến đến xây dựng trường chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất khang trang, bề thế hơn. Ngoài những dãy phòng học kiên cố xây dựng trước năm 2007, Sở GD – ĐT Bình Định tiếp tục xây dựng khu thí nghiệm thực hành 2 tầng (năm 2010 ) gồm 3 phòng thí nghiệm thực hành hiện đại đạt chuẩn quốc gia, phục vụ cho 4 môn học: vật lý, hóa học, sinh vật, công nghệ; và xây 1 dãy lầu gồm 9 phòng học tại cơ sở 2 (năm 2011). Thiết bị dạy học mỗi năm mua sắm đầy đủ hơn theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; thư viện đạt chuẩn quốc gia; công cụ tin học đầu tư lớn: có 3 phòng trên 80 máy cho học sinh thực hành; hệ thống máy chiếu trang bị đủ để 7 tổ chuyên môn hoạt động. Thành lập trang website của trường, với nhiều bài viết về giáo dục nhằm trao đổi thông tin, tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Cảnh quang môi trường được quan tâm đúng mức mang đậm sắc thái văn hóa của trường THPT số 2 Tuy Phước. Đội ngũ cán bộ – giáo viên có thay đổi, bổ sung và vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Trong 5 năm qua đã cơ cấu mới 2 phó hiệu trưởng, giáo viên dạy giỏi đạt thêm: cấp tỉnh 5 đ/c (Toán (1), Lý (1), Hóa (2), AV (1)), cấp trường 15 đ/c, trình độ sau đại học thêm 10 đ/c (Văn (2), Sử (1), Hóa (2), AV (1), Toán (3), Lý (1)) góp phần tỏa sáng chất lượng ở các tổ chuyên môn. Số lượng cán bộ – giáo viên, tập thể tổ đạt danh hiệu tiên tiến được Sở GD – ĐT và tỉnh Bình Định khen năm sau cao hơn năm trước. Hiện tại trường có 74 biên chế, trong đó BGH 4 đ/c, giáo viên 61 đ/c, cán bộ văn phòng 9 đ/c; 100% giáo viên đạt chuẩn hóa; 19,6% trên chuẩn; hơn 30% cán bộ – giáo viên có bằng A tiếng Anh; trên 80% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; hơn 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp tỉnh. Tuy số lượng học sinh mỗi năm có tăng: từ 47 lớp (năm 2007 – 2008) đến 51 lớp (năm 2009 – 2010), rồi giảm còn 49 lớp (năm 2010 – 2011), 45 lớp (năm 2011 – 2012), 43 lớp (năm 2012 – 2013), nhưng chất lượng vẫn giữ ổn định và tăng dần, nhất là học sinh khá, giỏi cấp trường, cấp tỉnh (từ 21,5% năm 2007 – 2008; 26,6% năm 2009 – 2010 đến 33,1% năm 2011 – 2012 ), tỷ lệ tốt nghiệp (từ 83,08% năm 2007 – 2008; 92,5% năm 2009 – 2010 đến 99,7% năm 2011 – 2012 ), tỷ lệ lên lớp không biến động luôn giữ 96,8 hay 97,5%; tỷ lệ vào đại học, cao đẳng (từ 15 – 20% năm 2007 – 2008; 20 – 25% năm 2009 – 2010 đến 25 – 30% năm 2011 – 2012). Các phong trào thi đua cấp Tỉnh, nhà trường đều có đội học sinh tham gia và đạt giỏi như : Thi học sinh giỏi các môn văn hóa, học sinh giỏi máy tính cầm tay, Hội khỏe Phù Đổng nở rộ trong nhưng thành tích xuất sắc giải cá nhân và toàn đoàn ở các môn điền kinh, bóng chuyền, …. Trong giai đoạn 5 năm này có hai học sinh đỗ thủ khoa vào hai trường Đại học, em Nguyễn Xuân Tùng thủ khoa trường Đại học Giao thông vận tải, em Biện Thành Trí thủ khoa trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Nhìn lại chặng đường 30 năm phát triển (1982 – 2012 ) nhà trường đã từng bước vươn lên tầm cao văn hóa mới trong sự nghiệp GD – ĐT học sinh đáp ứng được nhu cầu xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đủ độ trưởng thành vững chắc đáng tự hào, khâm phục, yêu thương của một ngôi trường ở tuổi ba mươi.
Giai đoạn 2012 – 2017 ( 5năm): Giai đoạn 5 năm lần thứ bảy là giai đoạn giữ vững chất lượng chuẩn, tạo điều kiện phát triển vững chắc, tiến đến xây dựng trường chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất khang trang, bề thế hơn…